1. Suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là tình trạng chậm lớn, chậm phát triển, do chế độ ăn không đảm bảo nhu cầu protein và năng lượng, tình trạng kèm theo là các bệnh nhiễm khuẩn.
1.1. Nguyên nhân suy dinh dưỡng
* Nguyên nhân trực tiếp
- Nguyên nhân trực tiếp cơ bản là chế độ ăn của trẻ không đủ cả về số lượng và chất lượng:
+ Trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ trong 6 tháng đầu.
+ Không được ăn bổ sung đầy đủ và hợp lý (có thể là ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn bổ sung quá nghèo nàn...).
- Nguyên nhân trực tiếp thứ hai là các bệnh nhiễm trùng: Suy dinh dưỡng và nhiễm trùng là một vòng xoắn bệnh lý. Khi bị mắc các bệnh nhiễm trùng trẻ em thường có biểu hiện như sụt cân, chậm phát triển và các rối loạn kèm theo dẫn đến suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Ngược lại, tình trạng suy dinh dưỡng làm bệnh nhiễm trùng có nguy cơ mắc cao hơn và thời gian điều trị dài hơn.
* Nguyên nhân gián tiếp: Kinh tế xã hội, vệ sinh môi trường, dịch vụ chăm sóc y tế, phong tục tập quán, thiên tai,...
* Những trẻ có nguy cơ cao bị thiếu dinh dưỡng:
+ Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ ở 4 – 6 tháng đầu sau khi sinh.
+ Những trẻ sinh đôi.
+ Những trẻ gia đình đông con, mồ côi cha mẹ...
+ Những trẻ sống trong gia đình quá nghèo.
+ Những trẻ có dị tật bẩm sinh.
+ Những trẻ sau khi bị mắc bệnh sởi, ỉa chảy, ho gà, viêm đường hô hấp...
1.2. Các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng
* Những biện pháp chung: Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ.
- Theo dõi biểu đồ tăng trưởng.
- Phục hồi mất nước theo đường uống.
- Nuôi con bằng sữa mẹ.
- Tiêm chủng theo lịch.
- Kế hoạch hóa gia đình.
- Giáo dục dinh dưỡng.
- Tạo nguồn thức ăn.
* Các biện pháp chính
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Sữa mẹ là thức ăn đầy đủ nhất, thích hợp nhất đối với trẻ. Các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ đều dễ hấp thu và đồng hóa.
+ Cho con bú càng sớm càng tốt ngay từ 30 phút đầu sau khi sinh
+ Cho trẻ bú theo nhu cầu
+ Cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
+ Thời gian cho trẻ bú ít nhất là 12 tháng, tốt nhất là 18 – 24 tháng.
- Cho ăn bổ sung hợp lý: Trong 6 tháng đầu, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh và tốt nhất với trẻ, nhưng từ tháng thứ 7 trở đi số lượng sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu của đứa trẻ đang lớn nhanh, do đó các bà mẹ cần cho con ăn bổ sung, ăn dặm.
+ Cho trẻ ăn bổ sung bắt đầu từ tháng thứ 7.
+ Thức ăn bổ sung cần có đậm độ năng lượng thích hợp vào khoảng 1,5 – 2 Kcal/g. Cần tăng đậm độ năng lượng bằng cách cho thêm dầu mỡ.
+ Thức ăn bổ sung cần có độ keo, đặc thích hợp cho trẻ, cần chuyển dần thức ăn từ dạng lỏng sang dạng đặc.
+ Thức ăn bổ sung cần cân đối các chất dinh dưỡng, đủ các nhóm thức ăn, đảm bảo đủ ô vuông thức ăn và lấy sữa mẹ làm trung tâm đảm bảo cho chế độ ăn của trẻ đủ chất dinh dưỡng.
Thức ăn giàu glucid Bột ngũ cốc Khoai… | Thức ăn giàu protein Thịt, cá, trứng, đậu đỗ… |
Thức ăn giàu vitamin và muối khoáng Rau xanh, quả chín… | Thức ăn giàu lipid Dầu mỡ Lạc vừng… |
Sơ đồ: Ô vuông thức ăn trẻ em
- Theo dõi biểu đồ phát triển: Suy dinh dưỡng trẻ em tiến triển theo con đường quanh co khúc khuỷu, những dấu hiệu ban đầu của suy dinh dưỡng rất khó phát hiện. Do đó cần có sự theo dõi liên tục đều đặn hàng tháng, đánh dấu lên biểu đồ phát triển. Ý nghĩa lớn nhất của việc sử dụng biểu đồ tăng trưởng là có thể phát hiện sớm thời điểm nguy cơ dẫn đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Trẻ tăng cân (đường biểu diễn cân nặng có chiều hướng đi lên) là dấu hiệu bình thường, cân nặng đứng yên (đường biểu diễn cân nặng đi ngang) là dấu hiệu đe doạ, cân nặng giảm (đường biểu diễn cân nặng có chiều hướng đi xuống) là dấu hiệu nguy hiểm.
Theo dõi cân nặng bằng biểu đồ phát triển còn xác định tình trạng dinh dưỡng của trẻ bình thường hay bị suy dinh dưỡng, nếu bị suy dinh dưỡng thì trẻ bị suy dinh dưỡng ở mức độ nào? Từ đó giúp ta có biện pháp can thiệp kịp thời.
1.4. Những thực phẩm trẻ mầm non, mẫu giáo nên và không nên ăn
- Những thực phẩm cần khuyến khích trẻ ăn:
+ Sữa và các chế phẩm từ sữa: 4 đơn vị sữa/ngày (sữa tươi, sữa bột, sữa chua…) để bổ sung canxi và các vi chất cần thiết cho trẻ.
+ Rau xanh, trái cây để trẻ có đủ vitamin và khoáng chất.
+ Chất béo có lợi (chất béo không bão hòa) có trong dầu thực vật, bơ, phô mai… để trẻ phát triển trí não toàn diện.
- Những thực phẩm cần hạn chế cho trẻ ăn:
+ Đồ ngọt và thực phẩm nhiều đường vì dễ khiến trẻ tăng cân và ảnh hưởng đến răng.
+ Các loại thức ăn nhanh, đồ chiên rán nếu lạm dụng nhiều sẽ khiến trẻ bị thừa cân.
+ Các món cứng như hoa quả khô, hạt, bánh kẹo cứng… vì sẽ ảnh hưởng đến răng của trẻ.