1. Tầm quan trọng việc trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ mầm non
Mùa hè đến mang theo những ngày nắng oi bức, khiến cho những hồ bơi, sông suối trở thành điểm đến lý tưởng để trẻ em vui chơi giải trí. Tuy nhiên, ẩn sau những phút giây sảng khoái ấy là nguy cơ đuối nước tiềm ẩn, có thể cướp đi sinh mạng của trẻ bất cứ lúc nào.
Tại Việt Nam, đặc biệt là vùng quê, có nhiều ao hồ, sông suối, hố nước sâu hoặc các công trình xây dựng không có rào chắn. Trẻ em khi được tự do vui chơi mà không có sự giám sát của người lớn thường thích thú khi được hòa mình vào chơi đùa cùng nước. Tuy nhiên, đây lại là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ mầm non.
Thống kê cho thấy, mỗi năm có gần 2000 trẻ em thiệt mạng vì đuối nước – một con số đáng báo động
Vì vậy, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ mầm non là vô cùng quan trọng. Kỹ năng này đóng vai trò như chiếc phao cứu sinh, giúp các bé tự bảo vệ bản thân trong những tình huống nguy hiểm dưới nước.
2. Cách dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ mầm non
Dưới đây là 5 kỹ năng chống đuối nước cho trẻ mầm non mà bố mẹ cần biết:
2.1. Nên cho trẻ đi học bơi sớm
Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn “khi nào nên dạy bơi cho con?” Khoa học đã chứng minh rằng, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bé đã có khả năng bơi lội tự nhiên. Do đó, bố mẹ hoàn toàn có thể kích thích và phát triển phản xạ bơi lội của trẻ ngay sau khi chào đời.
Đối với trẻ sơ sinh dưới 18 tháng tuổi, đây được xem là “giai đoạn vàng” để học bơi dễ dàng nhất. Bé có thể thực hiện các động tác bơi lội mềm mại theo bản năng. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam thường bỏ lỡ giai đoạn quan trọng này.
Khi bước vào độ tuổi mẫu giáo, trí tuệ và thể chất của trẻ phát triển, việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng chống đuối nước cho trẻ mầm non sẽ trở nên khó khăn hơn. Lúc này, trẻ có thể nhận thức được môi trường nước và nảy sinh tâm lý sợ hãi, ảnh hưởng đến quá trình học tập. Vì thế, trẻ cần thời gian để làm quen với môi trường nước và tiếp thu kỹ năng mới. Hãy kiên nhẫn và tạo cho bé cảm giác vui vẻ, thoải mái trong quá trình học tập.
2.2. Tránh xa những nơi sông nước ao hồ nguy hiểm
Bố mẹ nên nhắc nhở trẻ không tự ý đến khu vực sông, suối, ao hồ nếu không có sự giám sát của người lớn: Đây là quy tắc an toàn cơ bản mà cha mẹ cần dặn dò con cẩn thận và tái nhắc nhở thường xuyên. Bố mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu về những nguy cơ tiềm ẩn như nước sâu, dòng nước xiết, hố nước,… để trẻ nhận thức được sự nguy hiểm và chủ động né tránh.
2.3. Dạy trẻ tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm ở mọi nơi
Dạy trẻ biết về các bảng hiệu xung quanh khu vực nước và trong bể bơi là một trong những điểm hay trong kỹ năng chống đuối nước cho trẻ mầm non. Bằng cách trang bị kiến thức về ý nghĩa của các bảng hiệu an toàn, bố mẹ có thể giúp bé nhận thức được nguy hiểm, cấm bơi, từ đó tự giác tuân thủ các quy định để bảo vệ bản thân.
2.4. Dạy trẻ cách xử lý tình huống khi thấy bạn bè rơi xuống nước
Chứng kiến bạn bè gặp nạn đuối nước, hoảng loạn là điều khó tránh khỏi. Nhưng bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ bình tĩnh thực hiện lần lượt các bước sau để có thể ứng cứu kịp thời và hiệu quả, góp phần cứu mạng người.
Bước 1: Kêu cứu và tìm vật dụng cứu hộ
- Hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu: Việc đầu tiên cần làm là hô lớn để thu hút sự chú ý và nhờ mọi người hỗ trợ.
- Tìm kiếm vật dụng cứu hộ: Nhanh chóng tìm kiếm bất kỳ vật dụng nào có thể sử dụng để cứu người như: cây sào, phao, áo, quần,…
- Hướng dẫn nạn nhân bám vào vật dụng: Ném phao hoặc đưa cây sào cho nạn nhân bám vào, sau đó kéo họ vào bờ một cách cẩn thận.
Lưu ý: Tuyệt đối không được nhảy xuống nước nếu bạn không biết bơi hoặc chưa được huấn luyện kỹ năng cứu hộ. Việc này có thể khiến bạn cũng gặp nguy hiểm.
Bước 2: Kiểm tra tình trạng nạn nhân
- Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí: Sau khi đưa nạn nhân lên bờ, hãy đặt họ nằm ở nơi thoáng khí, tránh xa khu vực nước.
- Kiểm tra nhịp thở: Quan sát chuyển động của lồng ngực để xem nạn nhân còn thở hay không.
Bước 3: Sơ cấp cứu (nếu cần thiết)
- Thổi ngạt: Nếu nạn nhân ngưng thở, hãy áp dụng ngay kỹ thuật thổi ngạt nhân tạo.
- Kiểm tra mạch: Kiểm tra mạch cổ hoặc mạch bẹn để xem nạn nhân có ngưng tim hay không.
- Ấn tim ngoài lồng ngực: Nếu không bắt được mạch, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực kết hợp với thổi ngạt cho đến khi nạn nhân có dấu hiệu hồi sinh hoặc được đưa đến cơ sở y tế.
- Đặt nạn nhân nằm nghiêng: Nếu nạn nhân còn thở, hãy đặt họ nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ dàng thoát ra.
Bước 4: Giữ ấm và đưa đến cơ sở y tế
- Cởi bỏ quần áo ướt: Thay quần áo ướt bằng khăn khô để giữ ấm cơ thể cho nạn nhân.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất: Ngay cả khi nạn nhân có dấu hiệu hồi sinh, việc đưa đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị y tế là vô cùng cần thiết.
- Những bước trên khá phức tạp đối với một đứa trẻ mầm non. Vì thế, bố mẹ và nhà trường cần thường xuyên tổ chức diễn tập để các em có thể ghi nhớ và thực hiện tốt nhất có thể khi tình huống khẩn cấp xảy ra.
2.5. Dạy trẻ không chủ quan ngay cả khi đã biết bơi
Dạy trẻ không chủ quan ngay khi biết bơi là điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ mầm non. Trẻ vẫn có khả năng rơi vào tình huống nguy hiểm trong môi trường nước như: dòng nước xiết, sóng lớn, hố sâu, chuột rút, kiệt sức,…Do đó, bố mẹ cần dạy trẻ cách xử lý khi gặp những trường hợp đó và cẩn thận ở bất kỳ môi trường nước nào.