Sắt là một trong 3 vi chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng phải kể đến như: vitamin A, sắt, iốt. Đây là 3 vi chất đang rất được quan tâm. Sự thiếu hụt các vi chất này xảy ra ở các nước đang phát triển đã và đang trở thành vấn đề sức khỏe có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng. Mặc dù sắt luôn hiện diện trong cơ thể chúng ta với một lượng rất nhỏ, tuy nhiên nguyên tố vi lượng này lại đóng vai trò rất cần thiết cho nhiều chức năng sống. Tác dụng của sắt với trẻ em và người lớn được mô tả như sau:
- Chức năng hô hấp: sắt là thành phần cấu tạo nên hemoglobin đóng vai trò vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan trong cơ thể;
- Sắt còn tham gia vào quá trình cấu tạo nên myoglobin - sắc tố hô hấp của cơ;
- Sắt tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme, trong cơ thể, đặc biệt trong chuỗi hô hấp nguyên tố sắt đóng vai trò vận chuyển điện tích;
- Sắt hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể: sắt còn là thành phần của enzyme có trong hệ miễn dịch.
Có thể thấy sắt rất cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt đối với trẻ em. Trẻ em là đối tượng rất dễ bị thiếu sắt do nhu cầu tăng cao trong quá trình phát triển trí não và thể chất. Thật vậy, nhu cầu sắt ở trẻ bú mẹ tăng cao gấp 7 lần so với người lớn khi tính theo trọng lượng của cơ thể.
Vai trò quan trọng nhất của sắt trong cơ thể là kết hợp với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) có vai trò vận chuyển oxy, do đó khi cơ thể thiếu Sắt sẽ dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng, đây là bệnh lý rất phổ biến ở trẻ em.
Khi tình trạng thiếu máu do thiếu sắt xảy ra, khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu sẽ giảm, điều này gây ra tình trạng thiếu oxy ở các tổ chức, đặc biệt là ở tim, cơ bắp, não gây nên hiện tượng tim đập nhanh, trẻ có thể bị suy tim do thiếu máu, với các biểu hiện như sau:
- Hoa mắt;
- Chóng mặt do thiếu oxy não;
- Cơ bắp yếu, cơ thể mệt mỏi.
Thiếu máu não khi xảy ra ở trẻ lớn còn làm cho trẻ trở nên mệt mỏi nhiều, hay ngủ gật, thiếu tập trung trong giờ học dẫn đến kết quả học tập bị sút kém. Biểu hiện của tình trạng thiếu máu thiếu sắt là da xanh niêm mạc nhợt (đặc biệt là nhợt nhạt ở niêm mạc mắt và môi), móng tay móng chân có màu sắc nhợt nhạt, móng tay dễ gãy, móng bị biến dạng, tóc khô cứng dễ gãy.
Trẻ thiếu máu thường biếng ăn chậm lớn, còi cọc, táo bón, ăn hay bị nôn trớ. Xét nghiệm máu chính là cách tốt để chẩn đoán tình trạng thiếu máu. Định lượng huyết sắc tố (Hb) cho kết quả dưới 11g Hb trong 100ml máu ở trẻ là được xem là trẻ bị thiếu máu.
Tình trạng thiếu sắt còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể:
- Ảnh hưởng hệ tiêu hóa: trẻ biếng ăn, viêm teo gai lưỡi, khó nuốt, kém hấp thu, độ toan dạ dày giảm;
- Ảnh hưởng hệ thần kinh: mệt mỏi, kích thích, rối loạn dẫn truyền thần kinh.
Ngoài ra, sắt còn tham gia vào việc tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể trẻ, nên thiếu sắt trẻ thường bị ốm đau do hệ thống miễn dịch bị suy giảm trầm trọng.