BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH GIAO MÙA CHO TRẺ TRONG TRƯỜNG MẦM NON DƯƠNG XÁ
Vào thời điểm chuyển mùa như thời gian này, thời tiết có ngày nồm ẩm, nắng nóng nhưng thỉnh thoảng có những đợt gió mùa làm tiết trời trở lạnh đột ngột. Đây là nguyên nhân khiến cho mọi người nhất là trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, ...
Tiết trời nóng lạnh thất thường là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các loại nấm mốc, vi khuẩn, siêu vi trùng sinh sôi; nhiều loại côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến, … cũng phát triển mạnh. Đây là nguồn lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết và bệnh đường tiêu hoá rất nguy hiểm.
Ngoài các căn bệnh phổ biến như cảm cúm, sổ mũi, … thì các căn bệnh khác như bệnh sởi, thủy đậu, … cũng có nguy cơ trở thành một thứ bệnh dịch lưu hành. Những loại bệnh này hầu hết đều là những bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp và có những biểu hiện ban đầu gần giống như bệnh cảm cúm. Nếu như chúng ta không chú ý phân biệt chúng để có những biện pháp điều trị kịp thời và đúng đắn thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới đe dọa tới sinh mạng của trẻ em.
1. Bệnh về đường hô hấp:
- Niêm mạc đường hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết lạnh. Khi hít thở không khí lạnh, niêm mạc hô hấp phản ứng lại bằng sự xung huyết, phù nề và tăng tiết dịch. Phản ứng còn xảy ra khi bị nhiễm lạnh ở những vùng ngoài bộ máy hô hấp như cổ, ngực, vùng lưng, bàn chân, đặc biệt là gan bàn chân. Sự phù nề và xung huyết đường hô hấp kéo dài sẽ là môi trường thuận lợi cho các loại vi sinh gây bệnh phát triển, tạo nên đợt bùng phát các bệnh mạn tính của đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen phế quản, bệnh viêm phế quản... nguy cơ quan trọng hơn là các bệnh cấp tính như: cúm, sởi, ho gà, quai bị, thủy đậu... phát triển.
Các bệnh này lây lan theo đường hô hấp qua các hạt nước bọt của người bệnh bắn ra khi nói chuyện hay ho khạc, làm người lành hít phải.
2. Bệnh về đường tiêu hóa:
Hiện nay tình trạng thời tiết diễn biến phức tạp rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút Rota, sốt xuất huyết…
3. Những biện pháp phòng chống
- Trong các đợt rét, mọi người cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là 2 gan bàn chân. Chú ý giữ ấm về ban đêm, lúc đi ngủ. Đặc biệt phải giữ ấm cho trẻ em và trẻ sơ sinh.
- Đối với các bệnh gây thành dịch: Phải chú ý tiêm vắc-xin phòng dịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Nếu có bệnh dịch sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản phải chú ý diệt muỗi, nằm màn, diệt bọ gậy ở chum, vại, bồn, chậu chứa nước, khai thông cống rãnh, phun thuốc diệt muỗi.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi chúng ta cần có ý thức chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh. Đối với bệnh lây qua đường máu như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, cần vệ sinh môi trường, dọn dẹp phế thải, loại trừ các ổ bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, thực hiện nằm màn. Đối với bệnh lây theo đường hô hấp như cúm, rubela... cần đeo khẩu trang phòng hộ khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
-Trong nhà trường:
Tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện tốt các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Phun thuốc diệt muỗi trong khuôn viên nhà trường. Chúng ta cần tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh, đồng thời, thực hiện ăn uống hợp lý về dinh dưỡng như:
+ Ăn chín, uống sôi, chọn mua thực phẩm tươi sạch;
+ Không để thức ăn sống, chín lẫn nhau;
+ Ăn ngay sau khi nấu xong (tốt nhất là 2 giờ đầu);
+ Đun chín kỹ các loại thức ăn khi sử dụng lại;
+ Không ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng;
+ Thức ăn nấu chín phải được bảo quản hợp vệ sinh;
+ Rửa tay với nước sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Các nhóm lớp: Thường xuyên tuyên truyền và nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi chơi và sau khi đi vệ sinh. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ dùng đồ chơi hàng ngày, hàng tuần cho sạch sẽ.
Trên đây là cách phòng tránh một số bệnh thường gặp khi thời tiêt giao mùa, kính mong các đồng chí cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường thường xuyên gặp gỡ trao đổi với các bậc phụ huynh và quan tâm tới các cháu trong lớp để chủ động phòng tránh một số bệnh thường gặp lúc giao mùa được tốt hơn.