Ông vua sáng suốt là truyện cổ tích Ấn Độ, ca ngợi trí tuệ thông minh và phân xử tài tình của một vị vua, đồng thời là bài học dành cho những kẻ tham lam.
Ngày xưa, ở nước Ấn Độ có hai anh em nghèo, đi lang thang kiếm ăn. Họ nhặt được cái túi, trong túi có hai viên ngọc, Họ chia nhau mỗi người một viên. Người em trở về, còn người anh đi tiếp. Người anh giao viên ngọc cho em, nhờ em đêm về đưa cho chị dâu.
Ba năm sau, người anh trở về. Vợ anh nói không thấy chú em đưa ngọc gì cả. Anh ta liền hỏi em:
– Sao chú không đưa ngọc cho chị?
– Em đưa cho chị ấy rồi.
– Vậy mà vợ tôi bảo là chú chưa đưa.
– Chị ấy nói dối đấy.
Người em dẫn nhiều chi tiết chứng tỏ mình đa đưa. Người anh trở về tra hỏi vợ. Vợ anh ta bèn gặp quan tòa và kể mọi chuyện. Quan tòa cho gọi hai anh em đến. Quan nạt người em:
– Ngươi có đưa ngọc cho chị dâu không? Nếu có đưa thì ai làm chứng?
Người em dẫn hai người làm chứng. Quan cho gọi họ đến, vì đã được người em cho tiền nên cả hai đều nói người em đã đưa ngọc, chính mắt họ trông thấy. Quan tòa liền bảo người anh:
– Ngọc ở chỗ vợ anh, về tìm khắc thấy. Người em đã đưa ngọc rồi, vợ anh cố tình biển thủ để đòi viên nữa.
Nhưng chị vợ không chịu nhận. Chị đến gặp nhà vua và tâu bày mọi chuyện. Vua cho đòi tất cả đến: Bắt hai anh em, hai người làm chứng, mỗi người đứng riêng một nơi, giao cho một mẩu sáp ong, bắt mỗi người nặn hình viên ngọc.
Khi tất cả đã nặn xong, nhà vua đêm so sánh thì chỉ thấy hai viên của hai anh em là giống nhau, còn hai viên của hai người làm chứng không giống nhau đã đành mà cũng không có gì là giống với hai viên ngọc của hai anh em nọ. Vua ra lệnh cho người vợ:
– Ngươi hãy nặn cho ta viên ngọc.
– Tâu bệ hạ, tôi đã thấy viên ngọc nào đâu mà nặn được.
Vua ra lệnh treo cổ hai tên làm chứng, chúng vội vàng sụp lạy thú nhận và xin tha tội. Vua bèn sai nọc cổ người em đánh một trăm roi và bắt trả lại viên ngọc cho vợ chồng người anh.