BỆNH TAY CHÂN MIỆNG NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?
Bệnh Tay Chân Miệng do virus đường ruột thuộc nhóm Coxsackie và Entero 71 gây ra. Trẻ em dưới 5 tuổi thường là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, trong đó nhiều nhất là trẻ dưới 3 tuổi.
Tay Chân Miệng là bệnh rất dễ lây thông qua chất tiết mũi, miệng, nước bọt, … khi trẻ ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây qua khi tiếp xúc với phân của trẻ bị mắc bệnh hay những nơi kém vệ sinh cũng ẩn chứa vi-rút và nguy cơ mắc bệnh. Bệnh nếu không được phát hiện, chăm sóc đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Đây đều là những biến diễn biến nhanh và có thể gây tử vong, đặc biệt là biến chứng viêm màng não.
Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt chú ý tới những biểu hiện sớm của bệnh. Nếu phát hiện biểu hiện của biến chứng, cha mẹ lưu ý đưa trẻ đến bệnh viện trong 6 tiếng đầu kể từ khi phát hiện để cấp cứu cho trẻ kịp thời.
Dấu hiệu và Cách nhận biết dịch bệnh Tay Chân Miệng
CÁCH NHẬN BIẾT TRẺ BỊ MẮC TAY CHÂN MIỆNG:
Nhận biết bệnh Tay Chân Miệng là điều vô cùng quan trọng và cần thiết để có các phương pháp chăm sóc và xử lý kịp thời để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
– Thời gian ủ bệnh trong khoảng từ 3 – 6 ngày.
– Sau thời gian này trẻ sẽ bắt đầu có những triệu chứng như: mệt mỏi, sốt nhẹ (khoảng 38 – 38.5 độ), đau họng, sổ mũi.
– Ở giai đoạn toàn phát các mụn nước bắt đầu xuất hiện ở các vị trí như: niêm mạc miệng, bên trong má, lợi, mặt bên của lưỡi. Lúc này, kích thước của mụn nước thường từ 2-3mm, nằm trên niêm mạc viêm đỏ; sao đó vỡ ra rất nhanh chóng khiến các trẻ đau rát vùng miệng, gây khó khăn cho việc ăn uống. Tiếp theo đó, mụn nước sẽ tiếp tục xuất hiện ở bàn tay, bàn chân hay thậm chí ở phần mông và chúng sẽ tự xẹp trong vòng từ 7 – 10 ngày.
Các biểu hiện của bệnh Tay Chân Miệng rất dễ phát hiện, do vậy, khi trẻ có một trong những biểu hiện như trên, cha mẹ cần nhận biết để chăm sóc đúng cách và đưa trẻ đến bệnh viện để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
XỬ LÝ ĐÚNG CÁCH KHI TRẺ BỊ TAY CHÂN MIỆNG:
– Khi phát hiện trẻ bị mắc bệnh Tay Chân Miệng, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp chăm sóc, điều trị phù hợp.
– Tuyệt đối không tự điều trị cho trẻ để phòng tránh điều trị không đúng cách, gây nên biến chứng nguy hiểm. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh, vì vậy, cha mẹ cần làm theo chỉ dẫn của bác sĩ trong cách chăm sóc trẻ đúng cách.
– Nếu trẻ được bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà, ba mẹ nên làm theo đúng hướng dẫn khi chăm sóc trẻ bị Tay Chân Miệng như: hạ sốt và bù nước cho trẻ nếu trẻ sốt cao.
– Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ trong thời kỳ mắc bệnh, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.
– Vệ sinh thân thể, răng miệng cho trẻ sạch sẽ, tránh làm vỡ các bóng nước, tuyệt đối không cạy vỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng.
– Đối với các tổn thương ngoài da, có thể bôi dung dịch sát khuẩn theo sự kê đơn của bác sĩ cho trẻ để tránh bội nhiễm.
NHỮNG BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG:
– Rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ. Đặc biệt chú ý vệ sinh sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
– Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm (bao gồm đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa,…) với nước (và xà phòng nếu có thể). Sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường và rửa lại một lần nữa.
– Tránh các hành vi tiếp xúc gần (như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng) với các bệnh nhi khác.
– Khi đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ hoặc những nơi đông người cho tới khi các triệu chứng bệnh ở trẻ đã lui hẳn.
– Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời nếu nhận thấy triệu chứng sốt cao, li bì, mất tỉnh táo.
– Chú ý che miệng và mũi khi hắt hơi, ho, sau đó vệ sinh tay bằng nước và xà phòng.
– Xử lý khăn giấy và tã lót đã sử dụng bằng việc thải bỏ rác đúng cách, tránh thải bừa bãi ra môi trường chung.
– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sân vườn, nơi vui chơi của trẻ sạch sẽ.