Biểu hiện của tăng động giảm chú ý ở trẻ
Hiếu động quá mức
Trẻ hoạt động liên tục, không có giây phút nghỉ ngơi, không biết mệt.
Nếu buộc phải ngồi xuống thì trẻ không ngừng cựa quậy, làm ồn, không màng đến lời dọa nạt của người lớn, không biết đến nguy hiểm.
Khả năng tập trung kém
Khả năng tập trung của trẻ bị tăng động giảm chú ý rất kém, không chịu lắng nghe và làm theo hướng dẫn của người lớn, rất ít khi thực hiện được việc gì đó trọn vẹn.
Trẻ có thể thích thú với nhiều thứ, tuy nhiên không được lâu mà thường có xu hướng bỏ dở giữa chừng hoặc chuyển từ việc này sang việc khác.
Trẻ dễ bị phân tâm bởi một vật hay một điều gì đó xảy ra xung quanh.
Gặp khó khăn trong giao tiếp, đôi khi đang nói chuyện với trẻ hoặc trẻ nói chuyện với bố mẹ, thầy cô giảng bài nhưng yêu cầu trẻ nhắc lại thì trẻ không nhớ.
Kết quả học tập của trẻ có thể thấp hoặc giảm, mặc dù trẻ không hề kém thông minh so với những bạn đồng trang lứa chỉ vì nguyên nhân giảm khả năng chú ý.
Hấp tấp, bồng bột
Phần lớn những trẻ này thường có tính hấp tấp, vội vàng, bồng bột, biểu hiện cụ thể như:
Trẻ thường trả lời khi người khác chưa hỏi xong, không kiên nhẫn chờ đến lượt mình.
Hay phá đám trong khi người lớn nói chuyện hoặc các bạn cùng lớp đang chơi đùa.
Dễ mắc lỗi khi làm bài tập hay thực hiện những công việc khác.
Chậm phát triển ngôn ngữ
Một điểm khá nổi bật trong hầu hết những trẻ tăng động giảm chú ý hay gặp phải đó là chậm phát triển ngôn ngữ. Những trẻ này phát triển khả năng nói bình thường trong giai đoạn đầu, tuy nhiên về sau sẽ chậm lại và thường gặp các vấn đề về cấu trúc câu hay khả năng diễn đạt bằng lời nói.
Dễ nổi nóng, khó kiềm chế được cảm xúc
Trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý thường dễ cáu gắt, nổi nóng, khó kiềm chế được cảm xúc. Chính vì vậy, dễ dẫn đến xô xát, đánh bạn hoặc làm tổn thương ngay cả những người thân trong gia đình. Ngoài ra, tính cách này khiến trẻ không có bạn thân hoặc bị bạn bè xa lánh.
Hỗ trợ điều trị và can thiệp cho trẻ tăng động giảm chú ý
Trẻ tăng động giảm chú ý rất nhạy cảm, cần được cải thiện từ từ, không thể tiến bộ trong thời gian ngắn. Mỗi trẻ cần có phương pháp can thiệp khác nhau, vì mỗi trẻ là một cá nhân riêng biệt, không trẻ nào giống trẻ nào.
Liệu pháp hành vi
Trẻ luôn có những hoạt động quá mức bình thường, khó kiểm soát được hành vi cũng như cảm xúc. Vì vậy, cần phải có những giải pháp điều chỉnh hành vi cho trẻ.
Áp dụng phương pháp này chính là cha mẹ sử dụng cả lời nói và hành động, cử chỉ tác động đến trẻ nhằm cải thiện những hành vi của trẻ theo hướng tích cực.
Cha mẹ nên lập thời gian biểu cho trẻ để trẻ tập trung dần thói quen làm việc theo kế hoạch. Khi trẻ biết được hôm nay cần làm gì, học gì sẽ giúp trẻ kiểm soát hành vi một cách tốt hơn. Đồng thời, sẽ hạn chế được những hoạt động bộc phát hoặc mất kiểm soát cảm xúc. Ngoài ra, khi lập thời gian biểu cho trẻ, dù bạn không ở nhà trẻ vẫn có thể tự thực hiện, chẳng hạn như đánh răng trước khi đi ngủ vào buổi tối, hay rửa tay trước khi ăn cơm.
Nên điều chỉnh từng hành vi một, nếu cha mẹ đặt quá nhiều mục tiêu rằng trẻ phải làm thế này hay phải thế khác có thể gây tâm lý ức chế cho trẻ. Điều này không những không mang lại kết quả gì mà còn phản tác dụng. Nên tập trung vào một hành vi nhất định, như không được đánh bạn, phải xin lỗi khi mình mắc lỗi. Nhẹ nhàng nhắc nhở trẻ mỗi khi trẻ thực hiện không đúng và thường xuyên theo dõi sự cải thiện của trẻ theo từng ngày.
Tránh tuyệt đối không quát mắng hay đánh trẻ vì những hành vi đó của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy cha mẹ cũng giống mình. Hãy kiên nhẫn cải thiện cho trẻ hàng ngày. Đồng thời, cha mẹ cần ghi nhớ chăm sóc bản thân để có động lực cũng như tích thêm năng lượng trong hành trình nuôi dạy trẻ tăng động giảm chú ý.