Định hướng sự tò mò cho trẻ rất khó, vì chúng ta dễ "nổi cơn tam bành" với những câu hỏi tưởng chừng như ngớ ngẩn của trẻ. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được cha mẹ khuyến khích đặt câu hỏi thì thường đạt được nhiều thành công trong khám phá khoa học. Dưới đây là 5 cách định hướng sự tò mò giúp trẻ thông minh mà cha mẹ có thể tham khảo.
Tại sao trẻ nhỏ lại hay tò mò?
Với phụ huynh chúng ta, những câu hỏi như “Mẹ ơi, đó là cái gì vậy”, “Tại sao nó lại như vậy hả ba?”, “Tại sao trời lại tối” hay “Sao con đi đâu cũng thấy mặt trăng đi theo vậy mẹ?”, “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con bấm cái nút này?”,… như một “trận khủng bố” thử thách sự kiên nhẫn, nhưng chúng lại giúp con bạn thông minh hơn đấy! Thế giới của trẻ con luôn tràn ngập bởi những điều mới lạ – từ món ăn mới đến gặp gỡ người lạ, từ những từ ngữ mới cần hiểu đến các khái niệm lạ lẫm phải làm quen.
Ngay từ giai đoạn trẻ sơ sinh và mới biết đi, trẻ đã thông qua các hoạt động nếm, ngửi, leo trèo, chạm vào, bóc tách, nhìn, cảm nhận, lắng nghe để học hỏi và khám phá. Mọi thành tựu có được trên thế giới này đều có được nhờ sự tò mò, và sự tò mò sẽ phát triển mạnh mẽ, “đầy quyền năng” nhất chính vào giai đoạn ấu thơ. Sự tò mò là khả năng tự nhiên của mọi đứa trẻ, là cửa ngõ cho trẻ khám phá thế giới rộng lớn với những điều thú vị xung quanh mình.
Lợi ích của việc định hướng sự tò mò cho trẻ
Trẻ tò mò là trẻ có nhiều sáng tạo, như nhà văn Elizabeth Gilbert cũng nói rằng “Sự sáng tạo là sản phẩm phụ tự nhiên của một tư duy khám phá được định hướng.” Thật vậy, theo lý giải của Pam Schiller, tác giả của Seven Skills for School Success thì tò mò là động lực của sự phát triển trí tuệ. Não của trẻ có xu hướng phát triển mạnh về những trải nghiệm và hoạt động mới, và chính sự tò mò mới có thể thúc đẩy trẻ nhỏ tìm đến các kết nối với môi trường và người khác. Cha mẹ cần lưu ý đến những câu hỏi của trẻ để từng bước dắt con bước vào khám phá thế giới xung quanh mình.
5 cách định hướng sự tò mò giúp trẻ thông minh
Chúng ta có thể bắt tay ngay vào những cách dưới đây:
1. Hãy chú ý đến những câu hỏi của trẻ
Thay vì siết chặt sự tò mò của trẻ nhỏ, hãy chuyển hướng chúng khi cần thiết “Con không thể chơi với cái đó, nhưng con có thể chơi với món đồ này!”. Và với những câu hỏi “Tại sao…” của trẻ, đừng cố phớt lờ hay tỏ ra bực bội, sẽ tốt hơn nếu bạn nói với con rằng “Mẹ không biết nữa, nhưng mẹ và con sẽ cùng quan sát và tìm hiểu xem tại sao chúng lại như thế nhé!”. Trẻ sẽ trở nên hứng thú và thoải mái hơn khi có “bạn đồng hành” cùng dừng lại quan sát lũ sâu bọ lạ mắt đang đào bùn đất, hay thậm chí là cười tít mắt ra sân phụ mẹ nhặt lá để tìm “kho báu” đấy!
2. Hãy phá vỡ những quy tắc và cách tư duy truyền thống
Hãy thường xuyên “lật ngược” lại cả tỷ thứ trên thế giới này theo “dòng tò mò” của con trẻ, như ăn bánh mì chấm sữa cho bữa tối và ăn cơm vào buổi sáng, hay viết lại chi tiết của một câu chuyện nào đó – thêm một con rồng đầy màu sắc vào truyện “Jack và hạt đậu thần” chẳng hạn. Sau đó, khuyến khích con đặt câu hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đột nhiên có một con rồng xuất hiện trong truyện cậu bé Jack và hạt đậu thần?”, “Câu chuyện lúc này sẽ khác thế nào so với chi tiết ban đầu?”. Đồng thời, hãy giải thích cho con hiểu ý nghĩa của những việc này, đó là mỗi chúng ta luôn có rất nhiều cách khác nhau để thực hiện một việc nào đó chứ không gò bó theo một lối tư duy truyền thống.
3. Hãy biến hóa mọi thứ trở nên gần gũi với trẻ hơn
Hãy tạo cho con một không gian riêng đặc biệt trong phòng ngủ, ngoài hiên nhà, sân vườn, hoặc dưới tầng hầm – bất cứ nơi nào có thể để con phát huy hết những khả năng khám phá của mình như vẽ bằng các ngón tay, xé dán hình, xây dựng mô hình, chơi giả vờ với búp bê,…
4. Hãy sáng tạo thêm nhiều kênh kiến thức phong phú cho trẻ khám phá
Các “thiên thần đáng yêu” của chúng ta đặc biệt rất thích phim hoạt hình hoặc các quảng cáo nhiều sắc màu, hình ảnh vui nhộn, do đó, hãy sưu tầm sẵn một “gia tài” những video, hình ảnh, câu chuyện hấp dẫn về động vật, thiên nhiên, khoa học kì thú,…để dành mỗi khi sự tò mò của các bé yêu phát ra “Mẹ ơi, sao lại thế?” nhé! Không những cung cấp thêm kiến thức cho trẻ, các công cụ trực quan này còn giúp bạn dạy ngôn ngữ cho con cực kì hiệu quả và dễ nhớ.
5. Hãy tham khảo thêm từ các chuyên gia
Trong lĩnh vực nuôi dạy con cái, chúng ta luôn có các chuyên gia sẵn sàng chia sẻ hiểu biết, kiến thức của mình để phụ huynh phát triển con tốt nhất. Hãy bắt đầu từ mạng lưới bạn bè, người thân của bạn – chính họ là những “chuyên gia” với trải nghiệm chân thật, đa dạng nhất để học hỏi thêm kỹ năng, bí quyết độc đáo mới lạ. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể tham gia các buổi nói chuyện từ những người có chuyên môn đào tạo về hướng dẫn kỹ năng nuôi dạy trẻ, giáo dục sự phát triển toàn diện cho trẻ, các khóa học làm cha mẹ,… để tích lũy cho mình nhiều kiến thức bổ ích áp dụng được vào thực tế.
Trong giai đoạn phát triển của mình, trẻ luôn có những câu hỏi để khám phá thế giới, do đó, cha mẹ chúng ta đừng phớt lờ, hãy kiên nhẫn và định hướng sự tò mò ấy để trẻ trở nên thông minh, hiểu biết và tự tin thể hiện khả năng sáng tạo hơn.
(Sưu tầm)