1. Chất đạm đối với sự phát triển của trẻ
Chất đạm hay còn gọi là protein, thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển cơ thể của trẻ. Đạm đóng vai trò rất quan trọng tham gia vào việc hình thành, duy trì, thay thế các tế bào lão hóa trong cơ thể; đồng thời tham gia vào các thành phần chức năng như các loại men, nội tiết tố, kháng thể, máu,...; tham gia vào các quá trình chuyển hóa và cung cấp năng lượng,...Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng nghèo đạm sẽ khiến cơ thể trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng; trẻ chậm phát triển, đặc biệt là chiều cao; thiếu máu; giảm đề kháng; dễ bị nhiễm khuẩn,...
2. Tác hại của việc ăn thừa đạm
Nhu cầu đạm thay đổi theo lứa tuổi và theo giới. Cần cung cấp tỷ lệ cân đối các đại dưỡng chất sinh năng lượng gồm chất đạm, tinh bột, chất béo. Tinh bột và chất béo cung cấp năng lượng cho cơ thể sử dụng đạm xây dựng, tái tạo mô. Nếu ăn quá nhiều đạm, thiếu tinh bột và chất béo, cơ thể phải sử dụng đạm để tạo năng lượng, quá trình này sẽ sản sinh nhiều chất độc, ảnh hưởng đến gan và thận. Đây là điểm sai lầm của bậc phụ huynh, các bà mẹ thường thích cho con ăn nhiều đồ bổ: Thịt, cá, tôm, cua,... và cung cấp thiếu nguồn năng lượng nền cho trẻ là tinh bột (cháo, bột), chất béo (dầu ăn); điều này sẽ làm trẻ chậm tăng trưởng. Đồng thời, đạm cũng là dưỡng chất có nguy cơ cao gây dị ứng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm trẻ chậm tăng trưởng.
3. Thực phẩm cung cấp đạm cho trẻ
Sữa, trứng là 2 nguồn thực phẩm có giá trị sinh học cao nhất. Bên cạnh đó, đường lactose trong sữa còn giúp cho sự hấp thu canxi - chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Trẻ nên được uống tối thiểu 600 - 800 ml sữa mỗi ngày. Các bậc phụ huynh thường sai lầm khi muốn cho trẻ ăn thịt cá sớm và giảm lượng sữa của trẻ. Điều này cũng xảy ra ở trường mầm non, nơi mà nhà trường cho trẻ ăn nhiều hơn uống sữa. Thời gian trẻ ở trường nhiều hơn ở nhà, vô tình, trẻ sẽ bị giảm lượng sữa khi đi học.
Bên cạnh đó, thói quen hạn chế số lượng trứng 2 cái/tuần cũng là một điều sai lầm. Trẻ đang ở giai đoạn tăng trưởng sẽ cần cholesterol để xây dựng màng tế bào cũng như sợi thần kinh. Phụ huynh có thể cho trẻ ăn 1 - 2 quả trứng/ngày vẫn rất tốt. Trứng còn là thực phẩm giàu vitamin A, rất tốt cho sự phát triển của hệ miễn dịch cũng như thị giác của trẻ. Trứng là thực phẩm mềm, dễ nhai nên trẻ con thường thích chọn trứng hơn thịt, đây cũng là điều không kém quan trọng khi bà mẹ tìm cách cung cấp nguồn đạm cho trẻ.
Cá là nguồn thực phẩm giàu omega 3 hay DHA rất tốt cho sự phát triển thần kinh, thị giác, vì vậy chúng ta nên cho trẻ ăn cá mỗi ngày hay tối thiểu là 3 lần/tuần. Đậu hũ cũng là nguồn đạm có giá trị sinh học cao, thậm chí tương đương với trứng, chúng ta có thể thêm ít đậu hũ non vào thực đơn của trẻ mỗi ngày.
Thịt cung cấp nhiều acid amin cần thiết mà thực phẩm khác không có và chứa nhiều sắt. Nếu không cho trẻ ăn thịt, trẻ sẽ dễ bị thiếu máu.
Vì vậy, việc cân đối giữa nguồn đạm thịt, cá, đậu hũ, trứng, sữa rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.